Tin báo chí

Ảnh tin tức

(Dân trí) – Liên quan đến việc kiểm lâm bị tố gọi người đánh dân đang gây xôn xao dư luận, nhiều độc giả đã phản ánh tới báo Dân trí tình trạng thường xuyên bị bắt dừng xe vì cho rằng có nguồn tin xe chở lâm sản.

Một độc giả đặt vấn đề: “Tôi chở một xe gỗ hợp pháp, giấy tờ hoàn toàn đầy đủ, có hóa đơn giá trị gia tăng, lý lịch gỗ tròn, cây có dấu búa đầy đủ nhưng cán bộ hạt kiểm lâm vẫn làm khó khăn, khi chúng tôi gửi tiền thì được cho đi. Tôi mua gỗ về rất nhiều, nhưng cứ đi qua khu vực này là bị cán bộ huyện làm khó dễ. Xin hỏi quý báo, cán bộ kiểm lâm có được quyền ra chặn xe chúng tôi không?”

Trả lời:

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ vào điều 7 Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Nhiệm vụ, quyền hạn của công chức kiểm lâm, thì pháp luật không quy định quyền hạn của kiểm lâm viên được phép dừng xe kiểm tra xe, người và hành lý của người đi đường.

Kiểm lâm viên có được quyền chặn xe người dân để kiểm tra không? - 1
Hình ảnh đối tượng mặc quần áo dân thường lao vào đánh người ngay trước mặt lực lượng kiểm lâm gây xôn xao dư luận (Ảnh: Chụp màn hình).

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật thì việc khám người theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, căn cứ tại điều 127 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:

Điều 127. Khám người theo thủ tục hành chính

1. Việc khám người theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

….

Đối với việc kiểm lâm viên yêu cầu dừng phương tiện đường bộ, căn cứ vào điều 29 Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT, quy định về kiểm tra lâm sản đang vận chuyển như sau:

“Điều 29. Kiểm tra lâm sản đang vận chuyển

1. Công chức kiểm lâm chỉ được dừng phương tiện đường bộ, đường thủy đang lưu thông để kiểm tra lâm sản khi có căn cứ xác định trên phương tiện có vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Người chỉ huy dừng phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định dừng phương tiện của mình.

Hiệu lệnh dừng phương tiện có thể sử dụng một hoặc sử dụng kết hợp còi, cờ hiệu kiểm lâm, đèn pin.

Không đặt sào chắn (ba-ri-e) trên đường bộ để dừng phương tiện giao thông để kiểm tra lâm sản. Trường hợp đặc biệt, phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm về chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

2. Người điều khiển phương tiện vận chuyển lâm sản phải chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện của công chức kiểm lâm; xuất trình ngay hồ sơ lâm sản (bản chính) trên phương tiện theo quy định tại Thông tư này và hồ sơ về phương tiện vận chuyển theo quy định hiện hành của Nhà nước. Nội dung kiểm tra:

a) Hồ sơ lâm sản.

b) Lâm sản hiện có trên phương tiện vận chuyển.

c) Kiểm tra dấu búa kiểm lâm đối với gỗ phải đóng búa kiểm lâm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi kiểm tra, người chủ trì kiểm tra phải ghi tên của cơ quan kiểm tra; ngày, tháng, năm, địa điểm kiểm tra; khối lượng, số lượng lâm sản trên phương tiện vận chuyển; ký, ghi rõ họ tên tại mặt sau tờ hóa đơn bán hàng và bảng kê lâm sản.”

Như vậy trong trường hợp cán bộ kiểm lâm có căn cứ xác định trên phương tiện có vận chuyển lâm sản trái pháp luật thì có quyền yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra.

Tuy nhiên, nếu không có căn cứ thì cán bộ kiểm lâm không được quyền yêu cầu dừng phương tiện. Kiểm lâm sẽ kiểm tra hồ sơ lâm sản, số lượng lâm sản trên xe và dấu búa kiểm lâm (nếu phải đóng). Sau khi kiểm tra thì người chủ trì kiểm tra có trách nhiệm ghi thông tin về việc kiểm tra vào sau tờ hóa đơn và bảng kê lâm sản của bạn.

Quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của kiểm lâm

Luật sư Xuyến cho biết, nếu xe vận chuyển gỗ của bạn đã có đủ giấy tờ về xe cũng như giấy tờ về xuất xứ nguồn gốc của gỗ, không vi phạm quy định về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì không có căn cứ để xử phạt hành chính.

Nếu cán bộ kiểm lâm cố tình gây khó khăn cho bạn, cố ý cản trở sản xuất, lưu thông hàng hóa lâm sản thì bạn có quyền làm đơn tố cáo đến Trạm trưởng trạm kiểm lâm về hành vi của kiểm lâm viên. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi sách nhiễu, cản trở mà kiểm lâm viên sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự…

Theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 của Chính phủ về Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính như sau:

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà sách nhiễu, để quá thời hạn xử phạt, xử phạt không đúng mức, bao che cho người vi phạm, xử phạt vượt thẩm quyền, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, tang vật, phương tiện vi phạm, cố ý cản trở sản xuất, lưu thông hàng hóa lâm sản, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Chia sẻ: