Như đã đưa tin, rạng sáng 12/9, Công an TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở giải trí của Công ty Thiên Văn Cà Mau Gossip ở phường 5, TP Cà Mau. Lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 100 nam, nữ có biểu hiện sử dụng trái phép ma túy.
Sau đó, chủ cơ sở đã bị lập biên bản vi phạm một số hành vi như: Hoạt động quá giờ quy định, gây tiếng ồn vượt quy chuẩn, để xảy ra việc sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực do mình quản lý…
Với hành vi trên, chủ cơ sở giải trí sẽ phải chịu hình thức xử lý như thế nào là điều mà nhiều người quan tâm, bởi có ý kiến cho rằng, việc đấu tranh, triệt phá tệ nạn ma túy tại các quán bar, vũ trường, karaoke rất gian nan nhưng việc xử phạt quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe.
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay với các cơ sở vi phạm như thế này, việc rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng gặp khó vì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải căn cứ vào nhiều điều kiện, chưa đủ căn cứ thì không rút giấy phép được.
Một trong các vấn đề còn vướng hiện nay là số tiền xử phạt vi phạm hành chính còn quá nhẹ, trong khi doanh thu từ việc kinh doanh hoạt động này rất lớn nên chưa đủ sức răn đe. Điều này thể hiện ở việc nếu như trong trường hợp khách sử dụng chất ma túy mà chủ quán không biết, hoặc cơ quan chức năng không thể chứng minh được việc chủ cơ sở có biết hay không, thì chủ quán sẽ chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 10-20 triệu đồng.
Cụ thể, theo điểm a, Khoản 4, Điểm a Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau:
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người quản lý phương tiện giao thông hoặc cá nhân khác có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, hoạt động kinh doanh karaoke, hoạt động kinh doanh vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, các phương tiện giao thông để xảy ra hoạt động tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực, phương tiện do mình quản lý;
Trường hợp nếu chủ cơ sở giải trí biết việc khách sử dụng ma túy, hoặc tổ chức cho người khác sử dụng ma túy thì có dấu hiệu của tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Theo khoản 1 Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, tội này có thể bị phạt tù từ 2 – 7 năm.
Trong trường hợp phạm tội nhiều lần, tổ chức sử dụng ma túy cho nhiều người sử dụng, người chưa thành niên, phụ nữ có thai… thì mức phạt có thể lên đến 15 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng, cấm đi khỏi nơi cư trú từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đồng thời, nếu phát hiện chủ quán có hành vi tàng trữ chất ma túy hoặc bán, cung cấp ma túy cho khách sử dụng thì còn có thể bị truy cứu Tội tàng trữ trái phép chất ma túy.