Dịch vụ pháp lý khác

Ảnh tin tức

Theo quy định của Bộ luật lao động 2019 thử việc không phải thủ tục bắt buộc đối với Người lao động và Người sử dụng lao động khi giao kết Hợp đồng lao động. Thử việc sẽ theo thỏa thuận của các bên căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với 01 công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

Thứ nhất, nội dung thử việc. NLĐ và NSDLĐ có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong HĐLĐ hoặc thỏa thuận thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc. Không áp dụng thử việc đối với NLĐ giao kết HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng.

Thứ hai, thời gian thử việc không quá:

  • 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
  • 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
  • 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
  • 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Thứ ba, tiền lương thử việc. Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc phải bằng ít nhất 85% mức lương của công việc đó.

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật lao động năm 2019, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Hiện nay, mức lương tối thiểu cùng được quy định  tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022  như sau:

 

Vùng Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I 4.680.000 22.500
Vùng II 4.160.000 20.000
Vùng III 3.640.000 17.500
Vùng IV 3.250.000 15.600

(Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu phân theo vùng được quy định tại Phụ Lục Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6 /2022 của Chính phủ.)

Thứ tư, kết thúc thời gian thử việc. Các bên có thể ký kết Hợp đồng lao động trước khi thử việc hoặc có thể ký kết hợp đồng thử việc trước sau khi thử việc đạt yêu cầu thì giao kết Hợp đồng lao động.

Thứ năm, quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc. Khoản 2 Điều 27 Bộ luật lao động 2019 cho phép mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Người lao động cần tìm hiểu, trao đổi cụ thể về các chế độ thử việc trong quá trình phỏng vấn với Người sử dụng lao động để hiểu rõ và đảm bảo các quyền lợi chính đáng của mình theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ: