Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án, xử lý đơn khởi kiện.
Theo khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện cụ thể như sau:
” 2.Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
3.Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
4. Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).”
Như vậy, trong thời hạn tối đa 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, người khởi kiện sẽ nhận được thông báo từ phía Tòa án về việc sẽ tiến hành thụ lý vụ án (nếu không thuộc các trường hợp tại điểm a, c, d Khoản 3 Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 nêu trên). Tuy nhiên thực tế hiện nay khá ít tòa án thực hiện được đúng quy định về thời hạn xử lý đơn này, thậm chí thời gian xem xét đơn khởi kiện có thể kéo dài trong nhiều tháng, vì vậy người khởi kiện cần tham khảo ý kiến của Luật sư tư vấn tránh để quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm trong thời gian chờ đợi Tòa án thụ lý đơn.