“Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo (Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính Phủ về đăng ký doanh nghiệp)
Theo quy định tại khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 thì trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Như vậy, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, nếu doanh nghiệp không hoàn thành các nghĩa vụ của mình, gây xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác thì cá nhân, tổ chức khác hoàn toàn có quyền khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Các cá nhân, tổ chức khác có thể tự mình khởi kiện hoặc thông qua người đại diện của mình để khởi kiện theo quy định Điều 186 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015:
” Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”