Sau khi hình ảnh và clip đầy xúc động về một chàng tân binh trẻ ở Hà Nội bịn rịn chia tay gia đình, vợ và con nhỏ trước khi lên đường về đơn vị được đăng tải, đã thu hút sự quan tâm, bình luận của đông đảo độc giả Dân trí.
Nhiều bạn đọc gửi lời nhắn nhủ, động viên tới chàng tân binh: “Cố lên các đồng chí, thể diện và sức mạnh của quốc gia là do các đồng chí tạo nên đó. Cố gắng lên!”, “Tình huống này thật sự xúc động. Hậu phương phải thật mạnh mẽ vững vàng về tinh thần thì sau 2 năm có lẽ người vợ, người mẹ cũng hoàn thành nghĩa vụ cũng như chính các anh hoàn thành nghĩa vụ vậy”; “Cố lên các chiến sỹ, giây phút trở thành chiến sỹ thiêng liêng theo suốt chặng đường dài. Cách đây 32 năm tôi cũng ngậm ngùi khi nhập ngũ…”.
Cũng có một số ý kiến thắc mắc: “Cháu còn bé thì xin hoãn đi đợt sau có sao đâu, bởi đây đâu phải là lệnh tổng động viên”; “Con nhỏ không được hoãn nghĩa vụ quân sự à? Tôi thấy theo luật nếu gia đình có con nhỏ, người cha là thu nhập chính của gia đình thì đâu có phải đi nghĩa vụ quân sự?”.
Giải đáp những băn khoăn trên của độc giả, Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết căn cứ Điều 4, Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, các đối tượng được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, miễn gọi nhập ngũ bao gồm:
– Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.
– Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.
– Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.
– Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
– Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân.
– Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, trường hợp đã lấy vợ, có con nhỏ không thuộc các điều kiện được miễn đăng ký, miễn gọi nghĩa vụ quân sự. Vậy, với lý do đã kết hôn và có con không được cho là điều kiện để xin miễn gọi nhập ngũ theo quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự.
Độ tuổi, tiêu chuẩn tham gia nghĩa vụ quân sự
Căn cứ Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Độ tuổi của công dân được tính theo ngày, tháng, năm trên giấy khai sinh cho đến ngày giao quân. Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự là 24 tháng (theo Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự).
Tiêu chuẩn tham gia nghĩa vụ quân sự của công dân, ngoài điều kiện về độ tuổi như trên, cần phải đáp ứng 04 yêu cầu tại Điều 31 Luật Nghĩa vụ quân sự như sau:
– Có lý lịch rõ ràng.
– Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
– Có đủ sức khỏe để phục vụ tại ngũ.
Quy định về sức khỏe căn cứ Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, người tham gia phải có sức khỏe loại 1, 2,3. Riêng những công dân có sức khỏe loại 3 bị cận thị 1,5 điop trở lên, viễn thị ở các mức độ, bị nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS cũng sẽ không được gọi nhập ngũ.
– Có trình độ văn hóa phù hợp.
Công dân có trình độ văn hóa từ lớp 8 trở lên mới được gọi nhập ngũ. Riêng những địa phương khó đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì được tuyển chọn công dân trình độ lớp 7.