Tin báo chí

Ảnh tin tức

Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Tại Luật phá sản năm 2014, hậu quả pháp lý khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản được thể hiện tại các Điều 108, 109, 110 và 130, cụ thể như sau:

Về trạng thái của doanh nghiệp: Sau khi bị tuyên bố phá sản, doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động. Theo quy định tại Điều 109 Luật phá sản năm 2014, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, Tòa án nhân dân phải gửi quyết định cho cơ quan đăng ký kinh doanh để xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh.

Về các giao dịch liên quan đến doanh nghiệp: Việc tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp dẫn tới các giao dịch liên quan đến doanh nghiệp bị đình chỉ; chấm dứt thực hiện nghĩa vụ tính lãi đối với doanh nghiệp. Đối với một số giao dịch vô hiệu theo quy định của pháp luật, sẽ thực hiện tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu.

Về giải quyết quyền lợi đối với người lao động: Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, và giải quyết quyền lợi của người lao động.

Về việc phân chia tài sản:

Việc phân chia tài sản sau khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản chỉ đặt ra đối với các khoản nợ không có bảo đảm. Việc thanh toán các khoản nợ có bảo đảm được thực hiện trước khi có quyết định tuyên bố phá sản. Thứ tự thanh toán các khoản nợ không có bảo đảm như sau:

  1. Chi phí phá sản;
  2. Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước đã được ký kết
  3. Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
  4. Nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước;
  5. Khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ;
  6. Khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán đủ các khoản nêu trên mà vẫn còn thì phần còn lại thuộc chủ sở hữu doanh nghiệp. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán thì từng đối tượng ưu tiên được thanh toán theo tỉ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Về hạn chế của người quản lý doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản:

  • Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản.
  • Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước.
  • Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật phá sản năm 2014 thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.
  • Lưu ý: Hạn chế này không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp phá sản trong trường hợp bất khả kháng)

Trên đây là bài viết của Văn phòng Luật sư Gia Khánh về hậu quả pháp lý khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Quý Bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề trên hay các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website.

Chia sẻ: