Vậy, với việc nộp đơn ly hôn ra Tòa, quan hệ vợ chồng có được coi là hoàn toàn chấm dứt không? Luật pháp quy định về điều này thế nào?
Quan hệ vợ chồng chỉ chấm dứt khi có bản án hoặc quyết định của Tòa đã có hiệu lực!
Đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Thị Xuyến – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Theo Luật sư Xuyến, khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, ly hôn được định nghĩa như sau: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Như vậy, có thể thấy, quan hệ vợ chồng chỉ chấm dứt khi có bản án hoặc quyết định của Tòa đã có hiệu lực. Điều đáng chú ý, sau khi nộp đơn ly hôn, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án còn phải xem xét yêu cầu ly hôn có đủ căn cứ để ra quyết định hoặc bản án ly hôn hay không.
Hiện nay, ly hôn gồm hai hình thức: Ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình. Trong đó:
– Ly hôn đơn phương: Đây là trường hợp một trong hai vợ chồng gửi đơn đến Tòa án để yêu cầu ly hôn và Tòa án sẽ ra bản án ly hôn nếu có căn cứ vợ, chồng bạo lực gia đình hoặc vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng nghiêm trọng khiến hôn nhân trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
– Ly hôn thuận tình: Trường hợp này hai vợ chồng cùng có mong muốn ly hôn, thỏa thuận được với nhau về việc chấm dứt quan hệ vợ chồng, tự nguyện và thỏa thuận được chia tài sản, trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con. Và khi hai vợ chồng gửi đơn ly hôn cho Tòa, Tòa án xem xét thấy đủ điều kiện thì sẽ ra quyết định ly hôn.
Luật sư Xuyến cũng lưu ý rằng, không rõ chi tiết vị doanh nhân nói đã nộp đơn ly hôn là trong trường hợp nào, ly hôn đơn phương hay ly hôn thuận tình. Chính vì vậy, luật sư cũng chia làm 2 trường hợp để nêu rõ các thủ tục mà Tòa án sẽ tiến hành khi nhận được đơn ly hôn của đương sự.
Đối với ly hôn đơn phương:
Bước 1: Nộp đơn ly hôn và các giấy tờ liên quan đến việc ly hôn: Đăng ký kết hôn, chứng cứ về việc bạo lực gia đình, ngoại tình (nếu có)…
Bước 2: Tòa án xem xét, giải quyết
Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ xem xét hồ sơ hợp lệ, yêu cầu người nộp đơn ly hôn nộp tiền tạm ứng án phí, tiến hành thủ tục hòa giải.
Bước 3: Mở phiên tòa sơ thẩm
Sau khi hòa giải không thành, Tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ gửi giấy triệu tập các bên, mở phiên tòa giải quyết ly hôn đơn phương.
Bước 4: Ra bản án ly hôn chấm dứt quan hệ vợ chồng
Lưu ý: Bản án ly hôn đơn phương sẽ có hiệu lực pháp luật sau thời hạn kháng cáo (15 ngày) và kháng nghị (tối đa 01 tháng).
Với trường hợp ly hôn thuận tình:
Bước 1: Nộp đơn ly hôn thuận tình và các tài liệu kèm theo như giấy kết hôn, giấy khai sinh (nếu có con), giấy tờ về tài sản (nếu yêu cầu công nhận phân chia tài sản)…
Bước 2: Tòa án giải quyết yêu cầu. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ yêu cầu các bên nộp lệ phí, xét đơn yêu cầu, hòa giải…
Bước 3: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn nếu hai vợ chồng hòa giải mà không thành.
Lưu ý: Quyết định ly hôn có hiệu lực ngay sau khi được ban hành.
Căn cứ quy định trên, Luật sư Xuyến khẳng định, nếu mới chỉ nộp đơn ra Tòa mà chưa có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì việc ly hôn chưa hoàn tất, quan hệ vợ chồng chưa thực sự chấm dứt trên mặt pháp luật.
Đồng quan điểm, Luật sư Bùi Đình Ứng , Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, việc doanh nhân và vợ thỏa thuận với nhau là các bên có quyền đơn phương ly hôn, đã thực hiện xong việc chia tài sản và thống nhất việc trực tiếp nuôi con. Trên thực tế các bên đã ly thân 2 năm nay. Như vậy, việc thỏa thuận này mới chỉ dừng ở việc thể hiện quan điểm giữa hai người chứ chưa có Quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án có thẩm quyền. Do đó, xét về mặt pháp luật thì vẫn được xem là vợ chồng.
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc nuôi con và cấp dưỡng nuôi con thì lúc đó Tòa án sẽ ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Nếu mới chỉ thuận tình về mặt ly hôn nhưng về tài sản chung hoặc việc nuôi con không thống nhất được thì Tòa án vẫn phải giải quyết vụ án chứ không ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn”.
Như vậy, “trường hợp cả hai bên đã ký thỏa thuận với nhau là thuận tình ly hôn nhưng chưa có quyết định hoặc bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì vẫn chưa thể xem là độc thân (tức là đã ly hôn). Việc ly thân không ở chung một nhà 2 năm, hay 20 năm thì về mặt pháp luật vẫn là vợ là chồng”, luật sư Ứng nói.
Do đó, muốn được ly hôn thì các đương sự phải làm đơn khởi kiện ra Tòa án và họ vẫn có quyền thay đổi quan điểm của mình mặc dù trước đó các bên đã từng có thỏa thuận với nhau.
Chưa ly hôn, công khai yêu người khác có bị coi là vi phạm pháp luật?
Luật sư Xuyến cho biết, khi chưa có bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật thì vị doanh nhân và vợ vẫn là vợ chồng, vẫn trong thời kỳ hôn nhân.
Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như Bộ luật Hình sự nghiêm cấm người đang có vợ hoặc có chồng lại chung sống với người khác như vợ chồng. Theo đó, việc chưa ly hôn mà đã công khai yêu người mới không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức.
Tùy theo mức độ, hậu quả gây ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về mức xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì người nào đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Điều 147 Bộ luật Hình sự).