Như đã đưa tin, trước khi bị kỷ luật và bắt giam (vào ngày 6 và 7/6), ông Chu Ngọc Anh, khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký bổ nhiệm nhiều cán bộ cấp sở, phòng của TP Hà Nội (ngày 2/6).
Nhiều ý kiến của bạn đọc cho rằng, tại sao một người đang bị điều tra trước khi bị bắt lại ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm? Sao đang bị điều tra mà ông Chu Ngọc Anh vẫn có quyền đề bạt? Các quyết định này có hiệu lực không? Các cán bộ được bổ nhiệm có bị ảnh hưởng bởi việc ông Chu Ngọc Anh bị bắt không?
Giải đáp thắc mắc trên của bạn đọc, TS. LS. Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc, khi ông Chu Ngọc Anh còn là Chủ tịch UBND thành phố, chưa bị bãi nhiệm, chưa bị cách chức thì vẫn có toàn quyền thực hiện công việc, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Nếu thời điểm ban hành quyết định bổ nhiệm cán bộ mà ông chủ tịch này đã bị kỷ luật, bị bãi nhiệm, cách chức nhưng vẫn ký văn bản thì văn bản đó không có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, ông Chu Ngọc Anh bị bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP và bị bắt giữ vào ngày 7/6, bởi vậy 6 quyết định bổ nhiệm mà ông Chu Ngọc Anh ký vào ngày 2/6 là đúng thẩm quyền và quy định. Tuy nhiên những văn bản ban hành ở những thời điểm nhạy cảm như vậy, nếu có khiếu kiện thì cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ việc bổ nhiệm và ban hành các quyết định hành chính ở thời điểm đó có đảm bảo thủ tục, điều kiện theo quy định pháp luật hay không.
Trường hợp việc bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, không đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định pháp luật thì quyết định bổ nhiệm đó cũng sẽ bị hủy bỏ. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong quá trình giải quyết các khiếu nại, kiến nghị có liên quan.
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến – Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì cho rằng, các cán bộ được bổ nhiệm trên thuộc thẩm quyền quản lý của Ban thường vụ Thành ủy, tức là phải có Nghị quyết của Ban thường vụ Thành ủy mới bổ nhiệm được. Vì vậy, việc ông Chu Ngọc Anh ký các quyết định bổ nhiệm là việc làm bình thường chứ không phải ý chủ quan của cá nhân ông.
Nói cách khác, việc ông Chu Ngọc Anh ký các quyết định kể trên là hợp pháp, vì tại thời điểm đó ông vẫn đương chức Chủ tịch UBND TP. Việc bổ nhiệm ai đều được Sở Nội vụ tham mưu theo quy định, ông chỉ ký theo thẩm quyền.
Luật sư Xuyến cũng cho rằng, không thể có chuyện các cán bộ được bổ nhiệm ngày 2/6 sẽ bị bãi nhiệm theo ông Chu Ngọc Anh, nếu việc bổ nhiệm cán bộ đã được thực hiện theo quy trình 5 bước được quy định tại điều 46, mục 3 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Ông Chu Ngọc Anh ký bổ nhiệm 6 lãnh đạo sở, ngành trước khi bị bắt
Qua tìm hiểu của PV Dân trí, các quyết định bổ nhiệm đồng loạt được ông Chu Ngọc Anh ký vào ngày 2/6, gồm các quyết định số: 1855, 1868, 1869, 1886, 1888, 1889, bổ nhiệm lãnh đạo một số sở, cơ quan trên địa bàn thành phố.
Ở thời điểm ngày 2/6, ông Chu Ngọc Anh đang giữ cương vị là Chủ tịch UBND TP Hà Nội .
Cụ thể, Quyết định 1855/QĐ-UBND bổ nhiệm cán bộ phụ trách Phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội.
Quyết định 1868/QĐ-UBND bổ nhiệm Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài chính.
Quyết định 1869/QĐ-UBND bổ nhiệm Chánh Văn phòng Sở Tài chính TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài chính.
Quyết định 1886/QĐ-UBND bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ.
Quyết định 1888/QĐ-UBND bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội.
Quyết định 1889/QĐ-UBND bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Nội vụ.