Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Kháng cáo là hoạt động tố tụng của đương sự trong việc yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm. Trong tố tụng dân sự, kháng cáo là một trong những quyền của đương sự. Song quyền ấy phải được thực hiện đúng trình tự và thủ tục luật định, trong đó có việc tuân thủ thời hạn kháng cáo.
Theo quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết, nếu không có lý do chính đáng thì tính từ ngày tuyên án. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày đương sự nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.
Thời hạn là thước đo hiệu lực của một hoạt động pháp lý. Thông thường, việc kháng cáo sau khi kết thúc thời hạn nói trên không được pháp luật công nhận, đương sự có thể đánh mất quyền kháng cáo của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc kháng cáo ngoài thời hạn nói trên vẫn được Tòa án xem xét chấp nhận và được xác định là kháng cáo quá hạn.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 274 và Điều 275 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, người kháng cáo quá hạn cần trình bày rõ lý do và cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm những tài liệu, chứng cứ cần thiết để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng. Đơn kháng cáo quá hạn, bản trường trình và những tài liệu, chứng cứ về việc kháng cáo quá hạn sẽ được Tòa án cấp sơ thẩm gửi lên Tòa án cấp phúc thẩm. Việc xem xét kháng cáo quá hạn được thực hiện bởi Hội đồng xét kháng cáo quá hạn gồm ba thẩm phán tại phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn, có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Việc chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo quá hạn được Hội đồng quyết định theo đa số, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn và của đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp.
Như vậy, kháng cáo là thủ tục pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể trong vụ việc dân sự. Việc kháng cáo nên được thực hiện trong thời hạn pháp luật cho phép để bảo vệ tối ưu hơn quyền lợi của người kháng cáo. Trường hợp kháng cáo quá hạn, người kháng cáo cần chứng minh việc quá hạn là có lý do chính đáng và cung cấp tài liệu, chứng cứ cần thiết liên quan (nếu có) để kháng cáo quá hạn được xem xét chấp nhận.
Trên đây là một số thông tin pháp lý về kháng cáo quá hạn.
Mọi thắc mắc liên quan đến các vấn đề pháp lý, Quý độc giả vui lòng liên hệ đến Văn phòng Luật sư Gia Khánh.