Bất động sản, Nhà chung cư

Ảnh tin tức

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư là kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng theo định kỳ và sửa chữa khi có hư hỏng đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư, nhằm duy trì chất lượng của nhà chung cư. Theo quy định của pháp luật về nhà ở, người mua, người thuê mua và chủ đầu tư (“CĐT”) có nghĩa vụ đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trên cơ sở giá trị căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu của mình.

Trước khi Ban quản trị nhà chung cư (“BQT”)  được thành lập, CĐT đóng vai trò là chủ thể “tạm quản lý” kinh phí bảo trì mà người mua, người thuê mua căn hộ, phần diện tích khác đóng góp trên cơ sở phần sở hữu riêng của họ, cùng kinh phí bảo trì mà bản thân CĐT có nghĩa vụ đóng góp trên cơ sở phần căn hộ, diện tích mà họ giữ lại, không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua, tính đến thời điểm nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng. Trong giai đoạn này, CĐT thực hiện việc quản lý kinh phí bảo trì thu được bằng một tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam (Cụ thể hơn, trước khi ký Hợp đồng mua bán, Hợp đồng thuê mua nhà chung cư, CĐT mở một tài khoản thanh toán để nhận kinh phí bảo trì, sau khi việc thu kinh phí bảo trì hoàn tất, CĐT chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tiền gửi có kỳ hạn trước khi thực hiện bàn giao cho BQT).

Sau khi BQT được thành lập (thông qua Hội nghị nhà chung cư lần đầu), CĐT có nghĩa vụ bàn giao kinh phí bảo trì mà mình đang quản lý. Việc bàn giao kinh phí bảo trì được quy định tại khoản 1 Điều 109 Luật nhà ở năm 2019 như sau:

Điều 109. Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu

1…Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết; trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ.”

Như vậy, thời hạn để CĐT thực hiện nghĩa vụ bàn giao kinh phí bảo trì là trong vòng 07 ngày kể từ khi BQT được thành lập lần đầu tiên. Việc bàn giao kinh phí bảo trì được hướng dẫn tại Điều 36 Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BXD ngày 25/8/2023 của Bộ Xây dựng – Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở, theo đó, khi BQT có văn bản yêu cầu CĐT bàn giao kinh phí bảo trì, hai bên thống nhất lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì. Căn cứ vào số liệu quyết toán do hai bên thống nhất, CĐT có văn bản đề nghị kèm theo biên bản quyết toán số liệu gửi tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản kinh phí bảo trì đề nghị chuyển kinh phí này sang tài khoản do BQT lập thông qua hình thức chuyển khoản.

Trường hợp CĐT không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn, BQT có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc CĐT phải thực hiện bàn giao theo đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là bài viết của Văn phòng Luật sư Gia Khánh về thời điểm CĐT phải bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư. Quý Bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề trên hay các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website.

Chia sẻ: